• Tin thị trường

Thị trường BĐS đang đứng trước những thách thức

07/08/2019

Thống kê cho thấy, 6 tháng đầu năm 2019 vừa qua, ở một số phân khúc đã ghi nhận sự sụt giảm về nguồn cung.

Thống kê cho thấy, 6 tháng đầu năm 2019 vừa qua, ở một số phân khúc đã ghi nhận sự sụt giảm về nguồn cung.

Ông Nguyễn Quốc Hiệp - Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc GPInvest cho hay, thị trường BĐS hiện nay có nhiều phức tạp, khó khăn, Hà Nội trong 6 tháng đầu năm chỉ phê duyệt 6 dự án (trong khi thành phố hiện có tới 10 triệu dân) cho thấy sự căng thẳng như thế nào. Hiện các doanh nghiệp như GPInvest đang gặp phải khó khăn về những thay đổi trong chính sách, đặc biệt là về luật pháp, hành lang pháp lý.

“Chúng tôi đã từng vấp phải dự án mà do khái niệm Luật Đất đai 2014 thay đổi, các cơ quan hành pháp đều thay đổi về quy trình, khái niệm, có thủ tục hành chính xong rồi mà giờ thay đổi coi như làm lại từ đầu”, ông Nguyễn Quốc Hiệp chia sẻ

Thị trường BĐS Việt Nam hiện có phần trầm lắng

Theo ông Nguyễn Trần Nam - Chủ tịch Hiệp hội BĐS Việt Nam, thị trường BĐS Việt Nam hiện đang không được thuận lợi lắm và có phần trầm lắng. Việc này đã được dự báo từ cuối năm 2018, quy hoạch đất đai, thủ tục được siết chặt. Đây là 2 yếu tố quan trọng trong nước tác động đến thị trường. Ngoài ra, chiến tranh thương mại Mỹ - Trung và các điểm nóng ở Trung Đông là những yếu tố ảnh hưởng nhiều đến việc tăng trưởng kinh tế. 6 tháng đầu năm kết quả thị trường vẫn khả quan nhưng so với cùng kỳ 2018 là có sự giảm sút. Nhìn chung thị trường đang đứng trước những thách thức khó khăn nhất định.

Thống kê cho thấy, 6 tháng đầu năm 2019 vừa qua, ở một số phân khúc đã ghi nhận sự sụt giảm về nguồn cung. Hai thị trường lớn của cả nước là Hà Nội và TP. HCM đều ghi nhận sự chững lại của nguồn cung, đặc biệt ở phân khúc căn hộ chung cư. Báo cáo của CBRE và Savills Việt Nam cho thấy lượng căn hộ mở bán trong 6 tháng đầu năm ở 2 thị trường Hà Nội và TP. HCM có cùng xu hướng sụt giảm.

Theo CBRE, số lượng căn hộ mở bán mới tại Hà Nội trong quý II/2019 chỉ khoảng 7.000 căn chỉ bằng 50% so với 2 quý trước đó. Nguồn cung này chủ yếu tập trung ở phía Tây và phía Đông thành phố. Ở phân khúc hạng sang không có dự án mới ra hàng, phân khúc cao cấp chỉ có 2 dự án mới được mở bán trong quý với tổng 132 căn hộ, giảm 66% theo quý. Số lượng dự án trung cấp mở bán trong quý này là 12 dự án mới với tổng 4.862 căn giảm 45% theo quý. Ở phân khúc bình dân chỉ có 6 dự án mới được mở bán với tổng nguồn cung 1.422 căn, giảm 32% theo quý. Lý giải vấn đề này, đại diện CBRE cho hay, số lượng căn hộ mở bán giảm mạnh là do thiếu hụt dự án mới gia nhập thị trường. Hiện nay, việc Chính phủ rà soát lại quỹ đất cùng siết chặt việc cấp phép dự án mới đã ảnh hưởng mạnh đến việc ra hàng của các doanh nghiệp BĐS.

Cùng quan điểm trên, ông Nguyễn Văn Đính - Phó chủ tịch Hội Môi giới BĐS Việt Nam cho hay, 6 tháng đầu năm 2019, thị trường BĐS Hà Nội và TP. HCM có sự sụt giảm về lượng cung và lượng giao dịch. Về sản phẩm BĐS loại hình condotel, Hội Môi giới BĐS Việt Nam thống kê trong quý II/2019 chỉ ghi nhận hơn 5.000 sản phẩm mới đưa ra thị trường, giao dịch thành công chỉ gần 1.400 sản phẩm, tỷ lệ hấp thụ thấp đạt hơn 27%. Ông Nguyễn Văn Đính lý giải, nguyên nhân là do nguồn cung mới hạn chế, việc chậm triển khai các thủ tục dự án, các sản phẩm condotel hiện có giá giá tương đối cao cũng ảnh hưởng đến lượng giao dịch và chưa có nhiều chính sách tạo điều kiện phát triển dòng sản phẩm này.

Thị trường BĐS không chỉ gặp khó ở Hà Nội mà còn gặp khó ở TP. HCM. Hiệp hội BĐS TP. HCM rất lo ngại trước tình trạng sụt giảm quy mô thị trường BĐS thành phố, sụt giảm nguồn cung dự án và nguồn cung sản phẩm nhà ở, nhất là loại căn hộ nhà ở thương mại có giá vừa túi tiền, căn hộ nhà ở xã hội. Trong 6 tháng đầu năm 2019, chỉ có 3 dự án nhà ở thương mại (mới) được Sở Xây dựng đề xuất Ủy ban nhân dân thành phố công nhận chủ đầu tư với quy mô diện tích chỉ có 2ha 233 và 924 căn hộ, giảm 16 dự án (giảm 84,2%) so với cùng kỳ năm 2018. Sở Xây dựng cũng chỉ đề xuất chấp thuận đầu tư 10 dự án nhà ở thương mại (mới), giảm 46 dự án (giảm 82,2%) so với cùng kỳ năm 2018. Trong 6 tháng, chỉ có 24 dự án đủ điều kiện bán nhà hình thành trong tương lai, với tổng số 7.313 căn hộ (căn nhà), giảm 10 dự án (giảm 29,4%), giảm 2.336 căn (giảm 24,2%) so với cùng kỳ năm 2018.

Ông Lê Hoàng Châu - Hiệp hội BĐS TP. HCM cho rằng: “Sự sụt giảm của thị trường BĐS trong hơn 2 năm qua tác động tiêu cực đến nguồn thu ngân sách thành phố hiện nay và có thể cả trong thời gian. Kết quả thu ngân sách thành phố 6 tháng đầu năm 2019 là 133.744 tỷ đồng chỉ đạt 46,08% dự toán thu cả năm. Trong đó, số thu tiền sử dụng đất tiếp tục xu thế sụt giảm, giảm đến khoảng 60% so với cùng kỳ năm trước.

Trước khó khăn của thị trường BĐS, Hiệp hội BĐS Việt Nam đã có những kiến nghị, văn bản gửi Chính phủ, Quốc hội, các cơ quan, bộ, ngành để hiến kế, góp ý, kiến nghị nhằm tháo gỡ khó khăn cho thị trường và cộng đồng doanh nghiệp.

Ông Nguyễn Trần Nam cho hay, Hiệp hội BĐS Việt Nam kiến nghị Chính phủ và các bộ, ngành sớm sửa đổi, ban hành khung pháp lý liên quan trực tiếp đến thị trường BĐS cho phù hợp với những vấn đề thực tiễn nảy sinh. Để thúc đẩy thị trường BĐS phát triển, trong thời gian tới, cần tiếp tục hoàn thiện thể chế pháp luật, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, cải cách các thủ tục hành chính, góp phần tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư trong quá trình thực hiện các hoạt động đầu tư kinh doanh BĐS.

Trên thị trường BĐS, gần đây, tái xuất hiện tình trạng phân lô bán nền tràn lan và các đợt sốt ảo giá đất tại một số địa phương. Thậm chí phân lô, bán nền trên diện tích đất nông nghiệp, đất phi nông nghiệp không phải là đất ở; Mua bán, chuyển nhượng nhà, đất khi chưa đáp ứng đầy đủ điều kiện, cơ sở pháp lý. Hiệp hội BĐS Việt Nam kiến nghị, UBND các tỉnh, thành phố cần có biện pháp ngăn chặn và xử lý nghiêm đối với: Các chủ đầu tư dự án kinh doanh BĐS có hành vi chuyển nhượng quyền sử dụng đất, chuyển mục đích sử dụng đất, phân lô bán nền trái quy định pháp luật...

Ý kiến khách hàng