-->
Chiều 3/11/2022, Quốc hội tiến hành Phiên chất vấn và trả lời chất vấn vấn đề thứ nhất thuộc lĩnh vực xây dựng. Nhiều đại biểu đề cập đến trách nhiệm của Bộ trưởng Bộ Xây dựng trong việc phát triển nhà ở xã hội chưa đạt mục tiêu, trong khi thị trường bất động sản (BĐS) còn nhiều rủi ro…
Thực hiện nhà ở xã hội chưa đạt mục tiêu
Trả lời chất vấn của các đại biểu về giải pháp phát triển nhà ở xã hội cho người thu nhập thấp, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị cho biết, những năm qua, việc chăm lo giải quyết nhà ở cho người dân nói chung và nhà ở xã hội nói riêng luôn được Đảng và Nhà nước ta quan tâm, xác định là một nhiệm vụ trọng tâm trong phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Tuy nhiên, việc thực hiện công tác này vẫn còn một số tồn tại, khó khăn như hành lang pháp lý vẫn còn vướng mắc trong việc phát triển nhà ở xã hội, nhà ở công nhân nên cần tiếp tục nghiên cứu sửa đổi Luật Nhà ở và các luật khác liên quan; Ngân sách Trung ương chưa bố trí được đầy đủ nguồn vốn ưu đãi thực hiện chính sách nhà ở xã hội, nhà ở công nhân. Một số địa phương chưa chú trọng tập trung nguồn lực đầu tư hoặc phát triển quỹ đất cho các dự án nhà ở này…
Bộ trưởng Nguyễn Thanh Nghị khẳng định, mục tiêu phát triển nhà ở xã hội theo chiến lược nhà ở Quốc gia đến năm 2020 chưa đạt mục tiêu, nguyên nhân là quỹ đất dành cho phát triển nhà ở xã hội cũng còn hạn chế; nguồn vốn phát triển nhà ở xã hội chưa được đảm bảo; chính sách ưu đãi, khuyến khích chưa thật sự thu hút và khả thi; khâu tổ chức thực hiện còn nhiều phức tạp dẫn đến nguồn cung chưa đảm bảo…
Bộ trưởng Bộ Xây dựng cho biết, trong thời gian tới, để thúc đẩy phát triển nhà ở xã hội, các bộ ngành cần tập trung hoàn thiện hệ thống pháp luật có liên quan đến nhà ở, đặc biệt là nhà ở xã hội để tháo gỡ những vướng mắc, tạo điều kiện thuận lợi làm tăng nguồn cung nhà ở xã hội, tháo gỡ những nút thắt cho các dự án xây dựng nhà ở đô thị. “Bộ Xây dựng đang trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, phê duyệt Đề án phát triển 1 triệu căn nhà ở xã hội, cố gắng đáp ứng nhu cầu nhà ở cho người thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp”, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Nghị cho hay.
Thị trường bất động sản khó khăn
Trả lời chất vấn của đại biểu Hoàng Văn Cường, đoàn Hà Nội về dự báo về xu thế phát triển thị trường BĐS Việt Nam và những giải pháp khắc phục để thúc đẩy phát triển thị trường thời gian tới, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Nghị cho biết, thị trường BĐS nước ta hiện nay còn một số hạn chế tồn tại. Thứ nhất, hệ thống pháp luật liên quan đến đất đai, đầu tư xây dựng, kinh doanh BĐS và một số văn bản quy phạm pháp luật khác vẫn còn tồn tại bất cập cần phải sửa đổi để thống nhất. Thứ hai, việc triển khai đầu tư xây dựng các dự án BĐS tại hầu hết các địa phương hiện đều gặp khó khăn dẫn đến nguồn cung BĐS sụt giảm, số lượng dự án được chấp thuận mới khởi công xây dựng và hoàn thành đúng thời gian còn hạn chế, chưa đáp ứng nhu cầu nhà ở thương mại, nhất là nhà ở thương mại có giá phù hợp cho người thu nhập thấp, thu nhập trung bình; đặc biệt là nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân thiếu nhiều.
Cùng với đó giá BĐS cao hơn nhiều so với thu nhập của người dân. Công tác quản lý quy hoạch xây dựng, quản lý sử dụng đất và thị trường BĐS tại các địa phương cũng còn bất cập. Việc kiểm soát dòng vốn đầu tư vào lĩnh vực BĐS chưa chặt chẽ, còn tiềm ẩn rủi ro. Trong khi cơ cấu nguồn vốn trên thị trường BĐS còn bất hợp lý, hiện vẫn chủ yếu dựa vào nguồn vốn tín dụng ngân hàng và nguồn vốn huy động từ phát hành trái phiếu; nguồn vốn khác chỉ chiếm 15 đến 30%; và chưa có nguồn vốn trung hạn dài hạn cho thị trường BĐS.
Ngoài ra, chính sách thuế đối với người sở hữu, sử dụng BĐS vẫn chưa có sự phân biệt giữa sử dụng và đầu tư, kinh doanh mua đi bán lại… dẫn đến hiện tượng đầu cơ.
Trước bối cảnh thị trường còn khó khăn, Bộ trưởng cho rằng, giải pháp thời gian tới là thực hiện đồng bộ, quyết liệt, trách nhiệm các giải pháp của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đề ra, như các giải pháp liên quan đến hoàn thiện hệ thống pháp luật để tháo gỡ khó khăn vướng mắc cho thị trường; kiểm soát, cơ cấu lại tín dụng BĐS, đảm bảo sử dụng đúng mục đích, tránh rủi ro. Đồng thời, tiếp tục tạo điều kiện cho vay lĩnh vực BĐS theo đúng quy định pháp luật. Các doanh nghiệp có năng lực, có tín nhiệm, có dự án tốt cần được tạo điều kiện tiếp cận nguồn tín dụng để phát triển dự án BĐS, góp phần tăng nguồn cung; ưu tiên chính sách cho vay dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, nhà ở có giá phù hợp với đối tượng thu nhập thấp, thu nhập trung bình và kiểm soát phát hành trái phiếu DN lĩnh vực BĐS, tạo điều kiện huy động vốn cho các doanh nghiệp có đủ năng lực hoạt động kinh doanh tốt, hiệu quả, lành mạnh.
Ngoài ra, Bộ trưởng cũng đề cập đến các giải pháp về tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc của các dự án đang triển khai về thủ tục đầu tư, đất đai, quy hoạch xây dựng… để tăng nguồn cung cho thị trường; khẩn trương rà soát quản lý quy hoạch, quản lý thị trường BĐS ở các địa phương cũng như tăng cường công tác thanh kiểm tra…
“Với những giải pháp đồng bộ, quyết liệt này và cùng với sự phối hợp đồng bộ, hiệu quả của các bộ, ngành, địa phương, sự hưởng ứng tích cực của doanh nghiệp, thị trường BĐS nước ta sẽ dần cải thiện và đi vào ổn định, hướng tới mục tiêu phát triển an toàn, lành mạnh, bền vững”, Bộ trưởng nhấn mạnh.
Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng:
Tín dụng chỉ là một kênh vốn phát triển thị trường bất động sản
Làm rõ một số nội dung đại biểu Quốc hội quan tâm trong phiên trả lời chất vấn của Bộ trưởng Bộ Xây dựng đánh giá về thị trường BĐS, Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng cho biết, thị trường BĐS phát triển an toàn, lành mạnh có vai trò rất quan trọng đối với quá trình phát triển kinh tế - xã hội, góp phần phát triển, thay đổi diện mạo đô thị và góp phần phát triển nhà ở xã hội để đảm bảo an sinh xã hội.
Phát triển thị trường BĐS cần huy động nhiều nguồn lực từ các kênh khác nhau, như nguồn vốn từ đầu tư trực tiếp, nguồn vốn từ thị trường chứng khoán, thị trường trái phiếu DN, từ ngân sách nhà nước, vốn tự có của DN và người dân. “Vốn tín dụng chỉ là một trong các kênh vốn để phát triển thị trường này”, Thống đốc nhấn mạnh và cho biết, việc điều hành tín dụng của NHNN Việt Nam phải theo mục tiêu điều hành CSTT, đó là góp phần kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô và đảm bảo an toàn hoạt động của hệ thống ngân hàng cũng như ổn định thị trường tiền tệ và ngoại hối.
Trong điều kiện ưu tiên kiểm soát lạm phát, ưu tiên đảm bảo an toàn hệ thống, việc mở rộng tín dụng cho thị trường BĐS sẽ gây khó khăn cho NHNN trong việc đạt được mục tiêu CSTT. Chính vì vậy điều hành tín dụng cũng cần phải cân nhắc hết sức thận trọng.
Trong khi tín dụng đối với lĩnh vực BĐS tiềm ẩn rất nhiều rủi ro. Bởi, tín dụng đối với BĐS thường dài hạn và với số tiền rất lớn, trong khi đặc tính huy động vốn của các TCTD thường là ngắn hạn. Cho nên, khi cấp tín dụng đối với lĩnh vực BĐS, nếu các TCTD không kiểm soát tốt sẽ đối mặt với những rủi ro về thanh khoản. Chính vì vậy, trong quá trình kiểm soát, NHNN đã không kiểm soát bằng các biện pháp trực tiếp mà kiểm soát bằng các biện pháp gián tiếp. Ví dụ như đối với những khoản cho vay kinh doanh BĐS, NHNN quy định hệ số rủi ro 200%; với những khoản cho vay mua nhà có giá trị trên 4 tỷ đồng sẽ áp dụng hệ số rủi ro là 150%. Trong khi đó, đối với những khoản cho vay nhà ở dưới 1,5 tỷ đồng thì áp dụng hệ số rủi ro dưới 50%. Như vậy, chính sách của NHNN hướng đến là ưu tiên cấp tín dụng cho những khoản cho vay nhà ở phân khúc dành cho người thu nhập thấp.
Đối với tín dụng cho nhà ở xã hội, Thống đốc cho biết, Chính phủ đã ban hành Nghị định 100/2015/NĐ-CP và năm 2021 đã bổ sung bằng Nghị định 49/2021/NĐ-CP, trong đó giao cho Ngân hàng Chính sách xã hội thực hiện cho vay nhà ở xã hội và các TCTD được chỉ định. Đến nay, Ngân hàng Chính sách xã hội đã giải ngân với doanh số 10.584 tỷ đồng, dư nợ đến 30/9 là 9.147 tỷ đồng. Đối với các TCTD được chỉ định, hiện nay chưa giải ngân được bởi tiền cấp bù lãi suất chưa được bố trí nên chưa thực hiện cho vay.
Nhấn mạnh các giải pháp trong thời gian tới, Thống đốc Nguyễn Thị Hồng cho biết, điều hành tín dụng của NHNN cũng sẽ nằm trong khuôn khổ điều hành CSTT để kiên định đối với mục tiêu góp phần kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô và đảm bảo an sinh xã hội cũng như đảm bảo an toàn hệ thống.
Trần Hương (Theo Thời Báo Ngân Hàng)