-->
Sở hữu một bản kế hoạch tài chính cá nhân hiệu quả là cách tốt nhất để bạn hướng tới mục tiêu tự do tài chính trong tương lai.
Không phải ai cũng nắm được cách thiết lập nên một bản kế hoạch tài chính cá nhân phù hợp với mình. Sai lầm này khiến nhiều người thất bại trong kiểm soát chi tiêu cũng như có một quỹ tiết kiệm và đầu tư cho tương lai. Để tránh đi vào vết xe đổ trên, bạn hãy áp dụng cách lập bản kế hoạch tài chính cá nhân theo công thức “6 cái lọ” sau đây.
Như tên gọi của mình, kế hoạch tài chính cá nhân là một bản kế hoạch chi tiết về tình trạng tài chính của mỗi cá nhân. Nó bao gồm một danh sách các khoản thu nhập, chi tiêu, tiết kiệm và đầu tư của bạn trong hiện tại và tương lai.
Bản kế hoạch tài chính cá nhân được lập nên nhằm mục tiêu đầu tiên là quản lý chi tiêu hàng ngày một cách hợp lý. Xa hơn, nó giúp bạn tối ưu hóa các khoản tiết kiệm và đầu tư để tạo dựng một tương lai an toàn và ổn định về mặt tài chính.
Trước đây việc lập kế hoạch tài chính cá nhân thường được các chuyên gia hoạch định tài chính thực hiện. Tuy nhiên hiện tại, bạn hoàn toàn có thể tự tạo nên một bản kế hoạch tài chính cá nhân phù hợp với mình nếu biết cách.
Việc sở hữu một bản kế hoạch tài chính cá nhân tốt sẽ mang đến cho bạn những lợi ích to lớn như sau:
- Kiểm soát tốt chi tiêu hàng tháng của mình, tránh được tình trạng lãng phí.
- Nắm được các nguyên tắc tài chính, tiết kiệm và đầu tư.
- Có một khoản tiết kiệm để đảm bảo tương lai ổn định.
- Học được cách quản lý dòng tiền, có nguồn vốn để đầu tư.
- Quản lý và làm chủ cuộc sống của mình tốt hơn.
- Luôn tự chủ, vững vàng và sẵn sàng đối mặt với các biến cố có thể xảy ra.
- Có đủ điều kiện tài chính để nắm lấy các cơ hội đầu tư sinh lời lớn.
- Dễ dàng hướng tới các mục tiêu ngắn hạn, trung hạn và dài hạn hơn những người không có kế hoạch tài chính cụ thể.
- Có cơ hội tự do tài chính từ sớm.
Công thức “6 cái lọ” mang tới cho bạn cái nhìn rất trực quan về việc quản lý tài chính. Theo đó, bạn sẽ phân chia thu nhập hàng tháng của mình vào 6 hạng mục cụ thể bao gồm:
1. Nhu cầu thiết yếu chiếm 55% thu nhập
Chiếc lọ số 1 là khoản tiền bạn sử dụng để phục vụ cho nhu cầu đảm bảo cuộc sống hàng ngày. Chúng bao gồm các khoản chi tiêu quen thuộc như chi phí nhà ở, điện nước, tiền ăn uống, đi lại, liên lạc phục vụ cho công việc.
Nếu hiện tại số tiền chi cho nhu cầu thiết yếu mỗi tháng của bạn cao hơn 55%, chuyên gia khuyên bạn nên tìm cách gia tăng thu nhập để đuổi kịp chi phí hoặc giảm thiểu tối đa các khoản chi.
2. Quỹ tiết kiệm dài hạn chiếm 10% thu nhập
Chiếc lọ số 2 là khoản tiền bạn trích ra mỗi tháng từ thu nhập để tiết kiệm dài hạn cho tương lai. Nó nên bằng khoảng 10% thu nhập mỗi tháng và dành cho việc hoàn thành các ước mơ lớn của bạn như mua được nhà, lập gia đình, định cư ở nước ngoài…
3. Chi phí học tập và nâng cấp bản thân chiếm 10% thu nhập
Nhiều người khi lập bản kế hoạch tài chính cá nhân sẽ bỏ qua phần này. Tuy nhiên đó là một sai lầm lớn. Bạn cần đầu tư khoảng 10% thu nhập hàng tháng và chiếc lọ “học hỏi” để nâng cao giá trị của bản thân. Như vậy thu nhập và vị trí của bạn trong tương lai mới được cải thiện.
4. Quỹ tự do tài chính chiếm 10% thu nhập
Chiếc lọ thứ 4 đại diện cho nguồn quỹ sẽ đưa bạn đến với mục tiêu tự do tài chính. Đây là số tiền bạn sẽ dùng để đầu tư và tạo ra nguồn thu nhập thụ động. Ban đầu nó có vẻ ít ỏi nhưng theo thời gian cùng quy tắc lãi kép, bạn sẽ nhận về số tiền rất lớn và không ngừng tăng trưởng. Nhờ đó bạn sẽ sớm không còn phải quá lo lắng về vấn đề tiền bạc và thực sự tự do hướng tới các mục tiêu cá nhân khác.
5. Giải trí chiếm 10% thu nhập
Chiếc lọ thứ 5 chứa đựng số tiền bạn trích ra mỗi tháng để tưởng tưởng cho mình bằng các hoạt động giải trí và hưởng thụ. Đây là hoạt động cần thiết để bạn tái tạo năng lượng tích cực sau những ngày dài làm việc tập trung và căng thẳng. Nếu tài chính quá khó khăn, bạn có thể giảm tỉ lệ của chiếc lọ này xuống 5%.
6. Cho đi chiếm 5% thu nhập
Chiếc lọ thứ 6 của bạn sẽ thuộc về số tiền mỗi tháng bạn cho đi, giúp đỡ những người khó khăn hoặc đóng góp cho sự phát triển của xã hội. Đây là cách để bạn thể hiện lòng biết ơn với cuộc sống và lan tỏa giá trị sống tích cực cho cộng đồng. Nó cũng giúp tinh thần của bạn phấn chấn hơn để sẵn sàng đối mặt với mọi thử thách.