-->
Tại Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam (VARS), các chuyên gia đầu ngành đã báo cáo thị trường bất động sản và đưa ra dự báo xu hướng sắp tới.
Quý 3/2021 là quãng thời gian khá đặc biệt vì gần như nằm hoàn toàn trong giai đoạn của đợt dịch Covid-19 lần thứ 4 tại Việt Nam. Tại sự kiện trực tuyến Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam (VARS), các chuyên gia đầu ngành đã thông qua báo cáo thị trường bất động sản đồng thời đưa ra dự báo xu hướng sắp tới ở những tháng cuối năm 2021.
Nguồn cung tiếp tục nằm ở mức thấp nhất so với cùng kỳ các năm trước, trong đó chủ yếu là sản phẩm chung cư, chiếm đến 87,3% trên tổng nguồn cung.
Sản phẩm căn hộ bình dân ngày càng khan hiếm tại thị trường Hà Nội, chỉ đạt 3,5% tổng lượng cung trong quý 3 và nằm ở các khu vực xa trung tâm.
Nguồn cung chủ yếu ở 4 khu vực Hoàng Mai, Từ Liêm, Thanh Xuân, Cầu Giấy. Mặc dù giãn cách theo chỉ thị 16 của Chính phủ, nhưng các khu vực này vẫn ghi nhận số lượng giao dịch tương đối tốt và đưa tỷ lệ hấp thụ đạt gần 30%.
Khu vực Tây Nam Bộ có khoảng gần 50 dự án nhà ở với hơn 2.000 sản phẩm được giới thiệu ra thị trường.
Do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, các hoạt động bán hàng trực tiếp không thể thực hiện, dẫn đến nguồn cung thu hẹp chỉ bằng khoảng 1/5 so với quý II.
Chủ đầu tư hầu như không tung sản phẩm mới trong quý 3, nguồn cung chủ yếu là các dự án đã được chào bán từ các quý trước.
Số lượng giao dịch thành công trong giai đoạn này đạt hơn 500 sản phẩm, tỉ lệ hấp thụ đạt khoảng 25%.
Các dự án giao dịch đa phần thuộc phân khúc thấp hoặc tầm trung, giá dao động từ 700 triệu đến hơn 1 tỷ đồng/sản phẩm. Các sản phẩm chủ yếu là đất nền, nhà ở riêng lẻ, chung cư... có vị trí gần khu công nghiệp, trung tâm, quốc lộ.
Bất động sản nhà ở: Thị trường của khu vực đang có khoảng 7.115 sản phẩm được chào bán. Trong đó, hàng tồn của các dự án đã mở bán từ trước là sản phẩm chủ yếu. Lượng giao dịch thành công đạt 2.923, tỉ lệ hấp thụ đạt gần 41,1%.
Bất động sản công nghiệp: Nhiều nhà máy, xí nghiệp, khu công nghiệp đã phải tạm ngừng hoạt động, nhằm mục đích thực hiện công tác chống dịch. Tuy nhiên bất chấp ảnh hưởng của đại dịch, thị trường bất động sản công nghiệp ở đây vẫn tiếp tục ghi nhận diễn biến tích cực từ hoạt động đầu tư nước ngoài và sự thay đổi trong chính sách của Chính phủ. Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) trong 7 tháng đầu năm 2021 đạt 10,5 tỷ USD, tăng 3,8% so với cùng kỳ năm 2020.
Điểm sáng thị trường Trung du trong giai đoạn này đến từ Bắc Ninh và Bắc Giang. Đây là hai địa phương có dấu hiệu hồi phục tích cực nhất. So với quý trước, mức độ quan tâm của các nhà đầu tư dành cho 2 thị trường Bắc Giang, Bắc Ninh tăng lần lượt 26% và 7%.
Trong đợt dịch lần thứ 4 này, TP.HCM và các tỉnh lân cận là những khu vực chịu ảnh hưởng nặng nề nhất. Giãn cách xã hội đã dẫn đến hầu hết tất cả hoạt động kinh tế bị đứng lại, thị trường bất động sản cũng không ngoại lệ.
Nguồn cung mới, lượng tiêu thụ tại khu vực TP.HCM và các tỉnh lân cận đều có sự sụt giảm so với quý trước.
Lượng giao dịch trên thị trường thứ cấp cũng giảm mạnh.
Cục bộ thị trường xuất hiện một số nhà đầu tư áp dụng phương án cắt lỗ/giảm giá bán để nhanh chóng thu hồi vốn.
Toàn bộ nguồn cung trên thị trường bất động sản trong quý 3 đa phần đều là hàng tồn từ các quý trước trước. Do ảnh hưởng của dịch bệnh, lượng cung cũng như dự án mới rất hạn chế và gần như không có dấu hiệu cải thiện.
Số lượng nguồn cung trên toàn thị trường cả nước trong giai đoạn này đạt ngưỡng thấp nhất trong vòng 5 năm trở lại.
Dù trong dịch bệnh, bất động sản vẫn luôn nhận được rất nhiều sự quan tâm của khách hàng và nhà đầu tư. Đặc biệt là các dòng sản phẩm đất nền vì luôn được coi là nơi lưu giữ tài sản an toàn và tiềm năng sinh lợi cao.
Khách hàng, nhà đầu tư đã dần quen với việc tham dự các buổi chào bán, giới thiệu sản phẩm online. Mặc dù tỷ lệ đăng ký đặt mua qua hình thức trực tuyến chưa cao, nhưng nhìn chung đã tăng hơn so với các thời điểm trước.
Bất động sản du lịch nghỉ dưỡng gần như tê liệt vì giãn cách xã hội suốt thời gian qua, nhiều cơ sở du lịch gần như không có doanh thu.
Tuy nhiên, các dự án phát triển bất động sản du lịch – nghỉ dưỡng vẫn cho thấy những dấu hiệu khả quan: Lượng sản phẩm đang chào bán trên thị trường trong quý 3 đạt 7.206 sản phẩm, giao dịch thành công đạt 2.280 sản phẩm, tỉ lệ hấp thụ 31,6%.
Một số tỉnh, thành phố đã có sản phẩm chào bán như: Quảng Ninh, Thanh Hóa, Đà Nẵng, Quảng Nam, Phú Yên, Khánh Hòa, Bình Thuận, Phú Quốc… Đáng chú ý, Quảng Ninh là khu vực có tỉ lệ hấp thụ tốt nhất.