• Tin thị trường

6 bước lập kế hoạch tài chính cá nhân cho người mới

02/11/2021

 

Để có thể chủ động quản lý dòng tiền của mình, bạn hãy bắt đầu với 6 bước lập kế hoạch tài chính cá nhân đơn giản mà hiệu quả sau đây nhé!   

Xây dựng kế hoạch tài chính cá nhân không chỉ giúp đảm bảo chi tiêu cho bản thân và gia đình, mà còn giảm bớt áp lực tài chính trong cuộc sống hàng ngày. Bên cạnh đó, bạn còn có thể chủ động nguồn tài chính cho những trường hợp khẩn cấp. Nhờ đó, bạn nhanh chóng đạt được các mục tiêu tài chính và tiết kiệm của mình. Để làm được điều tuyệt vời này, bạn hãy bắt đầu với các bước lập kế hoạch tài chính cá nhân rất dễ dàng và tiện lợi sau đây nhé!

6 bước lập kế hoạch tài chính cá nhân đơn giản mà hiệu quả
  1. Đánh giá tình hình tài chính

Bạn hãy trung thực nhận định về tình hình tài chính của bản thân một cách càng chi tiết càng tốt. Ở bước này, thông tin bạn cần thống kê bao gồm toàn bộ những gì liên quan đến tài chính cá nhân như: Thu nhập, các khoản nợ, các khoản cho vay… Bước này rất quan trọng vì là tiền đề và cơ sở để bạn lập được kế hoạch quản lý tài chính cá nhân hiệu quả.

  1. Đặt ra các mục tiêu tài chính cần đạt được

Bạn hãy liệt kê tất tần tật những mục tiêu tài chính nào mình mong muốn, nội dung cụ thể gồm: Tên, giá trị tương ứng và thời gian dự kiến đạt được. Ví dụ: Bạn muốn thực hiện một tour du lịch cụ thể có giá trị là 10 triệu đồng vào cuối năm. Mục tiêu tài chính có thể vừa là mục tiêu chi tiêu, vừa là mục tiêu tiết kiệm. 

  1. Cân nhắc loại bỏ những chi tiêu không cần thiết

Để có thể hoàn thành tốt bước này, bạn cần ghi chép lại tất cả những chi tiêu của mình. Sau đó, bạn có thể đọc lại và sàng lọc những khoản chi tiêu không đáng. Hầu hết, đó là những khoản chi phí không đem lại hiệu quả, chỉ mang tính nhất thời hoặc do yếu tố cảm xúc tác động. Hãy tự hỏi: “Có điều gì bất ổn gì không? Tất cả chi tiêu này có thật sự cần thiết?”. 

  1. Lập bản kế hoạch chi tiêu

Bạn tham khảo cách lập bảng chi tiêu hiệu quả bằng cách áp dụng những công thức phổ biến sau:

  • Quy tắc 50/20/30: Đây là quy tắc phân chia tỷ lệ sử dụng tài chính. Trong đó, 50% cho nhu cầu thiết yếu, 20% cho tiết kiệm hoặc trả nợ và 30% cho tiêu dùng cá nhân.

  • Quy tắc 6 chiếc hũ: Hũ thứ 1 dành cho nhu cầu thiết yếu 55%; Hũ thứ 2 dùng để đầu tư 10%; Hũ thứ 3 để tiết kiệm là 10%; Hũ thứ 4 phục vụ cho hưởng thụ 10%; Hũ thứ 5 dành cho giáo dục 10% và hũ 6 dùng để tham gia các hoạt động từ thiện 5%. 

  1. Xác định thời gian hoàn thành các mục tiêu

Sau khi đã thống kê mục tiêu tài chính với những con số cụ thể, bạn hãy mạnh dạn xác định thời gian thực hiện để đảm bảo thời hạn hoàn thành. Việc đặt ra cột mốc thời gian có thể được xây dựng dựa trên bản chất của mục tiêu, tình hình thực tế. 

Mẹo dành cho bạn là có thể chia nhỏ thời gian để đạt được mục tiêu theo cột mốc đã đề ra. Ví dụ: Để tiết kiệm 10 triệu đồng cho tour du lịch vào cuối năm, thì từ bây giờ bạn cần tiết kiệm bao nhiêu/tháng, suy ra là bao nhiêu/ngày. 

  1. Tuân thủ bảng kế hoạch chi tiêu

Bạn phải luôn nhớ rằng để bảng kế hoạch tài chính cá nhân được hoàn thiện thành công, bạn cần tuân thủ kỷ luật và nghiêm túc khi thực hiện. Vì vậy, bạn cần hạ quyết tâm thật cao để có thể hoàn tất mục tiêu. Kết quả nhận được sẽ hoàn toàn xứng đáng với những gì bạn đã cố gắng.

Những điều cần lưu ý khi lập kế hoạch quản lý tài chính cá nhân
  • Đừng lập kế hoạch tài chính quá xa xôi so với thực tế của bản thân. 

  • Theo dõi quá trình thực hiện kế hoạch quản lý tài chính và nhanh chóng đưa ra những phương án điều chỉnh phù hợp.

  • Sử dụng thêm những công cụ, phần mềm công nghệ... hỗ trợ để kế hoạch quản lý tài chính có độ trực quan, chính xác cao.

  • Tạo quỹ khẩn cấp để chi trả cho những chi phí bất ngờ như tiền khám chữa bệnh, rủi ro thất nghiệp… Bạn có thể tạo quỹ khẩn cấp từ việc bỏ ra 20% tiền lương hàng tháng là một phương pháp an toàn. Như vậy, bạn sẽ có một quỹ tiền để chủ động sử dụng khi gặp vấn đề bất ngờ, cần thiết.

Việc quản lý tiền nong chưa bao giờ là dễ dàng, tuy nhiên mọi thứ sẽ đơn giản hơn nếu bạn chủ động lập một lộ trình tài chính cho bản thân. Hiện tại đang có rất nhiều phần mềm hoặc biểu mẫu hiện đại, tiện lợi trên mạng Internet mà bạn có thể tham khảo và sử dụng. Như vậy, bạn sẽ thấy việc quản lý tài chính cá nhân đỡ phức tạp hơn một chút. Thông qua bài chia sẻ 6 bước lập kế hoạch tài chính cá nhân mà chúng tôi chia sẻ trên đây, hy vọng có thể giúp bạn quản lý dòng tiền hiệu quả và có cuộc sống tốt hơn.

Ý kiến khách hàng